HIỂU THẾ HỆ Z – THÀNH VIÊN MỚI GIA NHẬP LỰC LƯỢNG LAO ĐỘNG

Trong suốt thập kỷ qua, chúng ta đã có nhiều bài nghiên cứu và chia sẻ về thế hệ Y, thế hệ chiếm lực tỷ trọng lớn nhất trong lực lượng lao động hiện tại. Tuy nhiên, hầu hết thế hệ Gen Y đã chuyển sang độ tuổi 30 và nắm giữ không ít các vị trí chủ lực trong doanh nghiệp thì đây cũng là lúc cần tìm hiểu về thế hệ kế tiếp sẽ gia nhập lực lượng lao động – Thế hệ Z.

Thế hệ Z, là tên gọi được dành cho các cá nhân được sinh ra trong nửa cuối những năm 90 đến những năm 2000. Hiện nay, tại Việt Nam, thế hệ Z sẽ đạt khoảng 15 triệu người tính đến năm 2025 và chiếm khoảng 25% lực lượng lao động quốc gia, và tương đương với khoản.

PHẦN 1: Nhận diện thế hệ Z

Nhiều công ty, đặc biệt là các công ty lớn đã phải thay đổi cách thức quản lý công việc và môi trường làm việc để tăng sức cạnh tranh thu hút các nhân tài thuộc thế hệ Y làm việc. Tuy nhiên khi những “đứa trẻ” đầu tiên của thế hệ Z bắt đầu bước sang tuổi 23 và không ít họ đã gia nhập lực lượng lao động, doanh nghiệp không nên xem họ chỉ đơn giản là một bản sao trẻ hơn của thế hệ Y mà cần hiểu những suy nghĩ và nhu cầu hoàn toàn khác. Nếu sự bùng nổ internet và các sản phẩm công nghệ cũng như nền kinh tế bùng nổ mang đến một thế hệ Y tràn ngập tự tin, giỏi công nghệ và thích trải nghiệm thì thế hệ Z lại được sinh ra cùng với các thiết bị công nghệ cao và mạng xã hội tràn ngập cũng như phải đối mặt với nền kinh tế suy thoái. Những sự khác biệt này gây ảnh hưởng lớn đến những đặc điểm nhận dạng và nhu cầu của họ.

 Thế hệ Z được sinh ra trong thời đại hoàng kim của mạng xã hội

Tập trung thấp hơn

Gen Z được sinh ra trong một thế giới tin tức luôn được cập nhật liên tục và các khái niệm thường xuyên được tái định nghĩa. Gen Z xử lý thông tin nhanh hơn các thế hệ khác nhờ sự quen thuộc với các ứng dụng như facebook, snapchat hay tiktok. Tuy nhiên sự chú ý của họ cũng thấp hơn rất nhiều so với thế hệ Y. Theo nghiên cứu của Microsoft thời gian tập trung của con người đã giảm từ 12s vào những năm 2000 xuống còn 8s ở hiện tại.

 Làm việc đa nhiệm tốt hơn

Việc lớn lên cùng với thiết bị di động thông minh từ rất sớm mà ít sử dụng máy tính để bàn hay laptop nên thói quen xử lý mọi việc trên thiết bị di động hoặc vừa làm việc trên máy tính vừa sử dụng thiết bị di động khiến thế hệ Z có khả năng làm việc đa nhiệm tốt hơn.

Thế hệ Z có thể nhanh chóng chuyển đổi giữa hai trạng thái làm việc và giải trí, làm việc đa nhiệm cùng lúc hay làm việc trên thiết bị di động. Hãy nghĩ đến cách mà điện thoại di động sẽ ảnh hưởng đến môi trường làm việc và cách mà thế hệ Z làm việc trong tương lai.

Muốn tiết kiệm hơn trải nghiệm

Khác với thế hệ Y được sinh ra trong thời kỳ bùng nổ kinh tế, thế hệ Z phải lớn lên cùng với thời kỳ kinh tế suy thoái và trải nghiệm nhiều biến động mạnh mẽ về xã hội lẫn chính trị. Điều này khiến cho thế hệ Z coi trọng tiết kiệm tiền hơn là được trải nghiệm nhiều như thế hệ Y.

Thế hệ Z muốn làm việc độc lập hơn

Thế hệ Z được tiếp cận với rất nhiều thông tin từ khi còn bé nhờ sự bùng nổ của internet. Điều này cũng làm cách thức học hỏi của họ hoàn toàn khác biệt, họ có thể học mọi điều từ video trên Youtube, các cộng đồng online mà họ tham gia thay vì chỉ học hỏi từ bố mẹ hay giáo viên. Chính vì vậy mà họ thích làm việc độc lập hơn nhiều so với thế hệ Y. Họ không muốn nhận nhiều hướng dẫn từ quản lý, bị kiểm tra chi tiết hoặc đánh giá thường xuyên. Thế hệ Z muốn được trao cơ hội để tìm ra giải pháp và cách thức mới để giải quyết vấn đề.

Thế hệ Z có kỳ vọng cao hơn thế hệ Y

Nếu thế hệ Y được sinh ra trong thời điểm sử dụng đĩa mềm, chơi trò đánh bài mặc định trên windows và sử dụng Yahoo thì thế hệ Z lại được tiếp cận với một thế giới bùng nổ công nghệ từ khi mới sinh. Những điều được xem là một phát minh tối tân, truyền cảm hứng giờ chỉ còn là tạm được đối với giới trẻ.

“Khi mọi thứ không diễn ra nhanh như mong đợi thế hệ Z ngay lập tức nghĩ rằng có điều gì đó đã sai”, theo Marcie Merriman, giám đốc phát triển chiến lược tại Earnt & Young. “Họ kỳ vọng công ty, các thương hiệu và nhà bán lẻ phải trung thành với mình chứ không phải là mình trung thành với họ. Nếu họ cảm thấy không được coi trọng, họ sẽ tìm kiếm công ty khác. “

Thế hệ Z có cá tính mạnh

Thế hệ Z được sinh trong thời kỳ lên ngôi của mạng xã hội. Thực tế gần 92% thế hệ Z sử dụng mạng xã hội và internet. Vì sự ảnh hưởng của người nổi tiếng mà họ thần tượng cũng như truyền thông, thế hệ Z luôn tìm kiếm sự độc đáo trong mọi khía cạnh cuộc sống. Họ không chạy theo xu hướng mà muốn là người tạo ra xu hướng.

Thế hệ Z toàn cầu hóa hơn

Thế hệ Y được nhìn nhận là thế hệ “toàn cầu” đầu tiên nhờ vào sự phát triển của internet, và khi thế giới càng online nhiều hơn – thế hệ Z càng trở nên “toàn cầu” hơn trong suy nghĩ, hành động. 58% người trưởng thành (trên 35 tuổi) trên thế giới đồng ý rằng “giới trẻ ngày nay có nhiều điểm chung với thế hệ của họ ở các nước khác hơn là với thế hệ trước trên chính đất nước của họ.”

Điều này sẽ khiến cho sự cạnh tranh giữa các công ty nội địa với các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng khốc liệt hơn để thu hút nhân tài.

Thế hệ Z muốn ẩn danh nhiều hơn

Khác với thế hệ Y cảm thấy thoải mái khi đăng tải mọi chi tiết về cuộc sống của họ lên mạng xã hội như Facebook hay instagram, thế hệ Z lại coi trọng sự bảo mật và tính riêng tư hơn đó là lý do thành công của Snapchat.

Được sinh ra trong thời đại ngập tràn mạng xã hội và mong muốn ẩn danh nhưng thế hệ Z lại khao khát sự gắn kết thực tế trong xã hội. Tại nơi làm việc, họ mong muốn có các buổi trao đổi ngắn với quản lý hơn là trao đổi công khai.

Với những khác biệt về thái độ, mục đích và giá trị sống so với các thế hệ trước, thậm chí cả thế hệ gần nhất – thế hệ Y, thế hệ Z có những nhu cầu và mong đợi hoàn toàn khác khi bước vào môi trường làm việc.

PHẦN 2: Thấu hiểu thế hệ Z

Thế hệ Z và thế hệ Y dưới 30 tuổi luôn có tinh thần “tự-làm-tất-cả” và phẩm chất khởi nghiệp. Chính quan điểm khởi nghiệp và tính độc lập này của họ đã buộc thị trường lao động phải thay đổi. Không giống như thế hệ Y trên 30 tuổi, thế hệ Z và thế hệ Y dưới 30 tuổi sẵn sàng gia nhập thị trường lao động sớm hơn thay vì theo đuổi chương trình đại học nhờ các chương trình đào tạo online.

Nhu cầu về các phúc lợi tại nơi làm việc của họ cũng khác nhau, khi hỏi thế hệ Y dưới 30 tuổi và thế hệ Z về phúc lợi họ mong muốn nhất từ người sử dụng lao động, “cảm thấy ý tưởng của tôi được trân trọng” được xếp hạng cực kỳ cao (số 1 và số 2).  Trong khi đó, tiêu chí này chỉ xếp thứ 4 đối với thế hệ Y trên 30 tuổi. Kỳ vọng của thế hệ Z là giá trị của họ sẽ được ghi nhận và các phúc lợi tài chính đi kèm là kết quả khi giá trị của họ được công nhận.

Ngày nay, việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân chiếm vị trí rất quan trọng đối với giới trẻ. Nếu đối với thế hệ Y trên 30 tuổi, họ muốn dành thời gian để trải nghiệm thông qua du lịch và chăm sóc gia đình, thì thế hệ Z và thế hệ Y dưới 30 tuổi lại cần thời gian để theo đuổi các niềm đam mê cá nhân, họ có thể vừa làm việc vừa là vlogger trên mạng xã hội.

PHẦN 3: Thu hút nhân lực trẻ

Thu hút nhân lực trẻ để đảm bảo lợi thế nhân sự trong tương lai luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của doanh nghiệp. Với ưu thế về khả năng nắm bắt và sử dụng công nghệ mới cũng như tinh thần khởi nghiệp cao, nguồn nhân lực thế hệ Z – nếu được sử dụng đúng cách, sẽ là động cơ tích cực thúc đẩy doanh nghiêp phát triển vượt trội. Những điều bạn có thể làm từ bây giờ để giúp doanh nghiệp của mình trở nên thu hút hơn trong mắt thế hệ Z cũng như giữ họ ở lại cống hiến trong tương lai.

1.      Tạo cơ hội để thế hệ trẻ có thể học hỏi nhiều hơn
Thế hệ Z và thế hệ Y sau là những người thực tế, họ tin rằng họ luôn cần học hỏi và chuẩn bị nhiều hơn.  Các cơ hội học hỏi kỹ năng chuyên môn, phát triển sự nghiệp hay theo đuổi bậc học cao hơn và các khóa đào tạo giúp bạn có một đội ngũ nhân lực trẻ, giàu kỹ năng và vượt trội so với các đối thủ. Quan trọng hơn hết, đây còn là phúc lợi mà các nhân viên trẻ đánh giá cao nhất, hơn cả giờ làm việc linh hoạt hay môi trường làm việc thoải mái.

2.     Nhận thức được nhu cầu cá nhân có thể khác xu hướng thế hệ
Đừng cho rằng tất cả những ai thuộc thế hệ Z hay thế hệ Y đều như nhau. Các xu hướng của thế hệ chỉ định hướng cách để thu hút và quản lý nhân sự trẻ thế nhưng không phải nó luôn đúng với tất cả mọi người trẻ vào công ty bạn làm việc. Thực tế, trong mỗi thế hệ lại được chia ra làm từng nhóm hay phân khúc khác nhau (như việc chia thế hệ Y thành thế hệ Y đời đầu và thế hệ Y đời sau), để giữ chân được họ thì cần hiểu được nhu cầu của từng người.

3.     Hiểu được tầm quan trọng của cân bằng giữa cuộc sống – công việc
Theo nghiên cứu, khi nhân viên càng lớn tuổi, việc cân bằng giữa cuộc sống và công việc càng trở nên quan trọng. Việc tạo cơ hội cho nhân viên đạt được cân bằng giữa công việc và cuộc sống chẳng bao giờ là đủ. Thực tế, nhân viên thường e ngại sử dụng các quyền lợi này của mình vì sợ bị đồng nghiệp và quản lý đánh giá. Để thay đổi thông lệ cũ này, doanh nghiệp cần công khai công nhận tầm quan trọng của các ưu tiên khác trong cuộc sống ngoài công việc.

4.     Xóa bỏ khoảng cách giới
Sự bất bình đẳng giới trong các vị trí lãnh đạo luôn là một vấn đề mà xã hội quan tâm. Đặc biệt, trong các công ty công nghệ, tỷ lệ nữ giới thấp luôn là một vấn đề nhức nhối. Đối với thế hệ Z và thế hệ Y trẻ, bình đẳng giới là một trong những vấn đề cơ bản mà doanh nghiệp cần đảm bảo và là một trong những yếu tố gây ảnh hưởng lớn đến quyết định liệu có gia nhập hay không của họ.

5.     Can đảm thay đổi
Thực tế, giới trẻ vẫn trên con đường trưởng thành và theo thời gian, các đặc điểm và nhu cầu của họ đúng vào hôm nay có thể sẽ khác trong tương lai. Đặc biệt là với sự phát triển chóng mặt của công nghệ, sự thay đổi này có thể còn diễn ra nhanh hơn. Chính vì vậy, việc chấp nhận thay đổi và cởi mở trước các yếu tố mới mẻ là chìa khóa để doanh nghiệp thu hút nguồn nhân lực trẻ.

Tóm lại, khi một thế hệ mới gia nhập lực lượng lao động, họ thường mang theo các đặc điểm được thành hình từ môi trường sống và trải nghiệm trước đó của họ, hiểu rõ đặc điểm của họ sẽ giúp doanh nghiệp đặt được họ vào đúng vị trí và tận dụng tối đa tiềm năng của họ để tạo ra giá trị. Bên cạnh đó, với các môi trường làm việc gồm nhiều thế hệ, các thay đổi trong văn hóa và môi trường làm việc để thu hút thế hệ trẻ có thể gây tổn thương các thế hệ trước như thế hệ X hay Baby boomers. Chính vì vậy, cần cân nhắc chiến lược phát triển nguồn nhân lực cũng như thay đổi môi trường làm việc phù hợp với cơ cấu nhân sự hiện tại để đảm bảo lợi thế cạnh tranh trong tương lai và sự gắn kết trong tổ chức.

CÔNG TY CỔ PHẦN BRAVOHR

BravoHR là ứng dụng di động đầu tiên về quản lý thông tin nhân sự và phúc lợi cho nhân viên. 

Hãy cùng chúng tôi trải nghiệm những giá trị mà chúng tôi sẽ mang đến cho bạn tại BravoHR.

 

Địa chỉ

Tầng 9, tòa nhà HM Tower, 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam 

Điện thoại

028 6650 0602

028 6650 0612

Công ty Cổ phần BravoHR

Giấy CNĐKDN : 0315933842
Đăng ký lần đầu: 01/10/2019. Đăng ký thay đổi lần thứ 1: 20/01/2020
Nơi cấp: Sở Kế Hoạch – Đầu Tư TP. Hồ Chí Minh